Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Vì sao năm 1962 xẩy ra cuộc khủng khoảng tên lửa ở Cuba.

Cuộc chạy đua tên lửa Xô - Mỹ

Mỹ và Liên Xô từng trải qua một cuộc chạy đua tên lửa quyết liệt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với sự ra đời của hàng loạt tên lửa tầm trung. 

pershing-2.jpg
Tên lửa Pershing 2 được thử nghiệm hôm 9/2/1983. Ảnh:Wikipedia/DOD
“Ông tổ” tên lửa đạn đạo tầm trung của cả Mỹ và Liên Xô chính là tên lửa đạn đạo Fau-2 nổi tiếng của Đức Quốc xã, do Wernher von Braun thiết kế trong những năm Thế chiến II. Sau đó, vào năm 1950, cũng chính Braun cùng với hãng Krysler bắt đầu thiết kế tên lửa Redstone – tên lửa cải tiến từ Fau-2. Redstone có tầm bắn đến 400 km, mang đầu đạn tác chiến nhiệt hạch W-3942 công suất 3,8 Mt. Năm 1958, khẩu đội tên lửa Redstone số 217 được đưa sang Tây Đức và trực chiến ngay trong năm đó.
Phương tiện đáp trả của Liên Xô đối với Redstone là tên lửa R-5. Dự án thử nghiệm R-5 được hoàn thành vào năm 1951, với tầm bắn 1.200 km. Tên lửa R-5 ban đầu không mang đầu đạn hạt nhân mà có đầu đạn tác chiến bộc phá hoặc chứa chất phóng xạ Generator-5. Từ tháng 9 đến tháng 12/1957, Liên Xô phóng thử nghiệm ba quả R-5 với đầu đạn Generator-5.

Năm 1954, Phòng thiết kế thử nghiệm số một (OKB-1) bắt đầu thiết kế tên lửa R-5M mang đầu đạn hạt nhân tự tách với cự ly bắn vẫn như cũ là 1.200 km, nhưng có độ chính xác cao hơn. Sai số cự ly xuống còn trên dưới 1,5 km, sai số phương vị (phải trái) vẫn là trên dưới 1,25 km. Năm 1956, Liên Xô thử nghiệm thành công tên lửa R-5M mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên. Cũng trong năm này tên lửa R-5M được đưa vào trang bị cho quân đội Xô Viết.
Có thể coi Redstone của Mỹ và R-5M của Liên Xô là thế hệ đầu của tên lửa tầm trung.
Năm 1955, Braun và hãng Krysler lại thiết kế tên lửa đạn đạo tầm trung Jupiter mã số SM-78, tầm bắn 2.700 - 3.100 km.
Năm 1958, Mỹ thành lập hai đơn vị tên lửa chiến lược. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện (kể cả phóng tên lửa trên các trường bắn), các đơn vị này được chuyển sang Italy (căn cứ Gioia với 30 tên lửa) và Thổ Nhĩ Kỳ (căn cứ Tigly với 15 tên lửa). Tên lửa Jupiter nhằm tới những mục tiêu quan trọng nhất trên phần lãnh thổ châu Âu của Liên Xô.
Không quân Mỹ vào năm 1955 ký riêng một hợp đồng với hãng Douglas Aircraft để thiết kế Tor, tên lửa đạn đạo tầm trung dành riêng cho không quân, có tầm bắn 3.200 km. Tên lửa Tor được trang bị đầu tác chiến MK3 với đầu đạn hạt nhân.
4 khẩu đội tổ hợp tên lửa Tor với 15 tên lửa mỗi khẩu đội được bố trí ở phía nam nước Anh. Một phần của các tổ hợp tên lửa kiểu này được chuyển giao cho Anh vào năm 1961 và chúng được bố trí ở Yorshire và Suffolk. Ngoài ra, hai đơn vị tổ hợp tên lửa Tor khác được bố trí ở Italy và một ở Thổ Nhì Kỳ. Tính đến giữa năm 1962, có tới 105 tên lửa Tor được triển khai ở châu Âu.
Để đối phó với Jupiter và Tor, năm 1955, Liên Xô quyết định thiết kế và sản xuất tên lửa R-12 (8K63) và xác định bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu thiết kế loại tên lửa này từ năm 1957.
ten-lua-r-12-4755-1389087407.jpg
Tên lửa đạn đạo R-12 của Liên Xô. Ảnh:Russianspaceweb 
Tên lửa R-12 có đầu tác chiến đơn tự tách. Vào đầu những năm 1960, Liên Xô còn lắp đầu đạn tác chiến hóa học casset kiểu Tuman (sương mù) cho R-12. Vào tháng 7/1962, trong khuôn khổ các chiến dịch K-1 và K-2, Liên Xô phóng thử các tên lửa R-12 mang đầu tác chiến hạt nhân. Mục đích của các cuộc thử nghiệm là nghiên cứu tác động của các vụ nổ hạt nhân trên cao đối với liên lạc vô tuyến, radar, phương tiện kỹ thuật hàng không và tên lửa.
Năm 1958, Liên Xô quyết định thiết kế thêm tên lửa đạn đạo mới là R-14 (8K65) với tầm bắn lên đến 3.600 km. Thời gian dự kiến đưa vào thử nghiệm là vào năm 1960. Trong năm 1960, tại trường bắn Kapustin Iar, tên lửa R-14 đã được phóng thử nghiệm lần đầu tiên. Hai năm sau đó, các tên lửa R-14 mang đầu đạn hạt nhân cũng được phóng thử nghiệm thành công.
Trong quá trình thiết kế và khai thác tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ đầu, giữa Mỹ và Liên Xô có rất nhiều điểm chung. Tất cả tên lửa đều một tầng, sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu lỏng và được phóng từ các bệ phóng cố định ngoài trời. Điểm khác nhau cơ bản là là tên lửa đạn đạo tầm trung Xô Viết được bố trí hoàn toàn trên lãnh thổ Liên Xô và không thể tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ, trong khi tên lửa đạn đạo tầm trung của Mỹ được bố trí tại các căn cứ ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó có thể tấn công toàn bộ khu vực lãnh thổ châu Âu của Liên Xô, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng tại khu vực này chỉ trong vòng 10 phút .
Để thiết lập sự cân bằng với Mỹ, N. Khrushov (lãnh đạo Liên Xô lúc đó) ra lệnh tiến hành chiến dịch Anadyr - bí mật đưa vào lãnh thổ Cuba sư đoàn tên lửa do Thiếu tướng I.Stasenko làm tư lệnh vào năm 1962. Sư đoàn này có một biên chế đặc biệt: tới 5 trung đoàn. Ba trong số đó có 8 tổ hợp phóng R-12 và hai trung đoàn có 8 tổ hợp phóng R-14. Liên Xô dự định sẽ bố trí tại Cuba 36 tên lửa R-12 và 24 tên lửa R-14.
Tầm bắn của tên lửa R-12 phủ một phần ba lãnh thổ Mỹ từ Philadelphia, qua Saint- Luis và Oklahoma đến biên giới với Mexico. Còn tên lửa R-14 có thể tiêu diệt các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Mỹ và một phần lãnh thổ Canada.
Sau 48 ngày đêm kể từ khi có mặt tại Cuba, sư đoàn đã sẵn sàng phóng tên lửa từ 24 vị trí. Thời gian chuẩn bị cho mỗi lần phóng là từ 16 đến 10 giờ, phụ thuộc vào thời gian vận chuyển các đầu tác chiến của tên lửa được bảo quản riêng.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân diễn ra. Sau tiến trình đàm phán căng thẳng, Mỹ và Liên Xô đã đạt được thỏa hiệp: Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba, còn Mỹ cam kết không tấn công Cuba và cũng rút tên lửa tầm trung Jupiter ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (tổng cộng 45 đơn vị), tên lửa Tor ra khỏi Anh (60 đơn vị). Như vậy, sau cuộc khủng hoảng Cuba, các tên lửa đạn đạo tầm trung của cả Mỹ và Liên Xô đều được bố trí chỉ trên lãnh thổ của mỗi nước. Mỹ đưa Tor và Jupiter vào các kho bảo quản niêm cất, còn R-12 và R-14 của Liên Xô vẫn tiếp tục trực chiến.
“Những người tiên phong" của Liên Xô
Trong khoảng năm 1963-1964, các tên lửa R-12 cải tiến bắt đầu được bố trí trong các hầm phóng kiên cố kiểu Dvina, còn với R-14U là các hầm phóng Chusovaia. Xác xuất sống sót của các tổ hợp phóng tên lửa R-12U và R-14U khi có một cuộc tấn công là không cao nhưng vẫn cao hơn hơn nhiều so với các tên lửa được bố trí trên mặt đất .
Để tăng xác suất sống sót cho các tên lửa, năm 1966, Viện kỹ thuật nhiệt Moscow bắt đầu thiết kế tên lửa thế hệ mới 15Z45 Pioneer (người đi tiên phong), với cự ly bắn đến 5.000 km. Bệ phóng tự hành cho tổ hợp Pioneer được thiết kế tại Phòng thiết kế thử nghiệm thuộc nhà máy Barrikada. Xe chở bệ phóng là xe ô tô 6 cầu MAZ-347 V. Tên lửa được bảo quản trong các container vận chuyển - phóng, làm từ kính – plastic. Nó có thể được phóng từ các hầm phóng đặc biệt ở trận địa chính hoặc từ các trận địa phóng dã chiến được chuẩn bị từ trước .
Công tác thử nghiệm phóng tên lửa trên diễn ra trong năm 1974 cũng tại trường bắn Kapustin Iar đã thành công. Năm 1973, tên lửa 15Z45 được đưa vào trang bị của Lực lượng tên lửa chiến lược. Sau đó tổ hợp này được mang mật danh RSD-10. Các trung đoàn tên lửa Pioneer đầu tiên đóng quân tại Belarus và bắt đầu trực chiến từ năm 1976. Từ trận địa trên, tầm bắn của Pioneer không chỉ phủ toàn bộ châu Âu mà còn cả đảo Greenland, bắc châu Phi đến tận Nigeria và Somalia, toàn bộ vùng Trung Đông, Bắc Ấn Độ và các khu vực phía tây Trung Quốc.
Sau này tên lửa Pioneer còn được bố trí ở khu vực ngoài dãy Ural, ngoại ô các thành phố Barnaul, Irkutsk và Kansk. Từ các địa điểm trên, Pioneer có thể với tới toàn bộ lãnh thổ châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và bán đảo Đông Dương. Về mặt biên chế tổ chức, đơn vị tác chiến với 15Z45 là các trung đoàn, mỗi trung đoàn có 6 hoặc 9 bệ phóng tự hành cùng các tên lửa.
Trong những năm 80, Liên Xô cũng thiết kế mẫu tên lửa 15Z cải tiến mới có tên gọi Pioneer-3. Loại tên lửa này được trang bị đầu tác chiến mới có sai số vòng tròn thấp hơn nhiều so với các tên lửa thế hệ trước. Lần phóng đầu tiên được thực hiện vào năm 1986. Tổ hợp tên lửa Pioneer-3 qua tất cả các đợt thử nghiệm cấp nhà nước thành công nhưng không được đưa vào trang bị vì lúc này Liên Xô và Mỹ đã ký hiệp ước hủy tên lửa tầm trung.
Loại vũ khí người Mỹ sử dụng để đối phó với Pioneer là các tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing-2, cự ly bắn đến 2.500 km. Cả hai tầng của tên lửa Pershing-2 được lắp các động cơ nhiên liệu rắn của hãng Hercules.
Tên lửa Pershing-2 được sử dụng chủ yếu để tiêu diệt các sở chỉ huy, các đầu mối thông tin liên lạc và các mục tiêu tương tự, có nghĩa là làm rối lọan hoạt động của hệ thống chỉ huy bộ đội và điều hành nhà nước của đối phương. Tên lửa có độ chính xác cao nhờ sử dụng hệ thổng điều khiển bay hỗn hợp. Ở phần đầu của qũy đạo bay sử dụng hệ thống quán tính tự động, sau đó, khi đầu tác chiến tách khỏi tên lửa- sử dụng hệ thống điều chỉnh bay của đầu tác chiến theo bản đồ radar địa hình.
Trên tên lửa Pershing-2 có thể sử dụng hai kiểu đầu đạn - đầu đạn thông thường công suất 50 kg và đầu đạn xuyên đất. Theo phương án hai thì đầu đạn được tăng thêm độ dày và độ cứng do được sử dụng các loại thép siêu bền. Với tốc độ tiếp cận mục tiêu lên đến 600m/s, đầu đạn có thể xuyên vào đến 25 m đất.
Năm 1983, tên lửa Pershing-2 bắt đầu được trang bị các đầu đạn tác chiến hạt nhân W-85, với công suất nổ từ 5 đến 80 Kt. Bệ phóng cơ động M1001 của tên lửa Pershing-2 được lắp trên xe 6 cầu bánh lốp.
Năm 1987, tại Washington, M. Gorbachov và R. Rigan ký Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Liên Xô hủy 608 bệ phóng tên lửa tầm trung và 237 bệ phóng tên lửa tầm gần, còn với Mỹ - các con số trên lần lượt là 282 và một.
Tên lửa tầm trung cuối thế kỷ XXI
Cuối năm 1983, Viện kỹ thuật nhiệt Moscow bắt đầu thiết kế tên lửa đạn đạo kích thước nhỏ Kurier 15Z59, với tầm bắn hơn 10.000 km. Phòng cũng thiết kế hai bệ phóng cơ động đặt trên khung gầm xe 4 cầu MAZ-7909 và xe 5 cầu MAZ-7929.  Tên lửa Kurier có thể đặt trong toa xe đường sắt, trên các sà lan trên sông, các xe kéo móc Sovtransavto và còn thể vận chuyển bằng đường hàng không.
Với kích thước và khả năng vận chuyển như vậy, Kurier thực sự “tàng hình” đối với các thiết bị vũ trụ và máy bay trinh sát. Từ năm 1989-1990, Liên Xô phóng thử nghiệm 4 lần loại tên lửa này từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Nhưng đến năm 1991,  theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, Liên Xô dừng tiến trình thử nghiệm Kuriervà để đổi lại Mỹ cũng dừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Midgetman, nặng 18 tấn, dài 14 m.
Nhiều khả năng trong tương lai, tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ có kích thước, trọng lượng nhỏ hơn nhiều so với Kurier. Chúng có thể được vận chuyển và phóng từ các thùng xe ô tô vận tải bình thường, các toa tàu và các sà lan. Để có thể vượt qua được hệ thống chống tên lửa, các tên lửa đạn đạo tầm trung mới sẽ bay theo các quỹ đạo thay đổi khó xác định nhất. Không loại trừ khả năng kết hợp các tên lửa có cánh tốc độ trên siêu âm với các tên lửa đạn đạo. Ngoài các mục tiêu trên mặt đất, tên lửa đạn đạo tầm trung còn có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển- các tàu sân bay, tàu khu trục kiểu Ticonderoga, mang tên lửa có cánh và thậm chí cả các tàu ngầm.
R-73E_R-27R1_R-27T1_R-59ME
Các tên lửa R-73E, R-27R1, R-27T1, R-59ME được trưng bày tại Zhukovski năm 1999. Ảnh:Wikipedia
Thực ra, ý tưởng này không mới. Ngay từ năm 1962, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra quyết định chế tạo tên lửa đạn đạo đầu tự dẫn có thể tiêu diệt được các tàu đang cơ động trên biển. Trên cơ sở tên lửa R-27, các nhà thiết kế vũ khí Liên Xô đã chế tạo tên lửa R-27K (4K18), có chức năng tiêu diệt các tàu nổi. Tên lửa có cự ly bắn tối đa là 900 km, với đầu tác chiến đơn. Điều khiển trên phần thụ động trên quỹ đạo bay được thực hiện bằng thông tin của thiết bị radar…, xử lý bằng hệ thống máy tính số lắp trên tên lửa. Tuy nhiên, do nhiều  nguyên nhân, tên lửa R-27 không được đưa vào trang bị mà chỉ được đưa vào khai thác thử nghiệm trong giai đoạn 1973-1980 .
Những gì mà Liên Xô sau đó không làm thì Trung Quốc đã làm. Hiện nay trong trang bị của quân đội Trung Quốc có tên lửa đạn đạo tầm trung cơ động có thể tiêu diệt các tàu nổi của đối phương ở cự ly tới 2.700 km. Tên lửa được lắp đầu radar tự dẫn và hệ thống lựa chọn mục tiêu.
Việc chế tạo lại các tên lửa tầm trung đối với Nga không quá khó. Các hồ sơ thiết kế vẫn còn được lưu trữ và một số công trình sư thiết kế loại vũ khí này đang còn sống và minh mẫn (không kể thế hệ các nhà thiết kế trẻ). Vấn đề còn lại là ý chí chính trị và nguồn tài chính .           
Lê Hiếu


3 nhận xét:

ngcuong50 nói...

xem những bài này rất thú vị sau mấy chục năm nhìn lại vấn đề thấy nó rõ hơn .Cám Ơn TL đã sưu tầm những tư liệu quí

Tualinh nói...

@ngcuong50: tớ cũng đồng với bạn. Bi giờ,đốc chứng lại muốn tìm hiểu cho rõ hơn những vấn đề 'trời ơi đất hỡi' trước đây ko có đ/k.
Số phận loài người ngày nay tùy thuộc vào chu kỳ khoảng 60 tr năm thiên hà lại gửi 'tặng' trái đất một thiên thạch,mặt khác phụ thuộc 'nhãn tiền' vào nguy cơ ở kho vũ khí hạt nhân do chính loài người tạo ra nhằm tiêu diệt lẫn nhau mà Tên lửa là phương tiện hữu hiệu nhất để hiện thực hóa ý đồ đó. Tiền của hết đổ vào 'tên lửa liên lục địa' rồi lại đổ vào 'tên lửa tầm trung',và tương lai tiếp theo sẽ còn là gì nũa đây...giống như một 'định mệnh' ko sao thoát ra được.
Ko biết tớ có 'bi lụy' quá ko? ko cần biết,chỉ biết là : thêm yêu quí những phút giây ta đang được sống trong hiện tại này. he he...

TrunDC nói...

Đúng rồi các bạn ạ....Hãy yêu quý hiện tại.