“Chuyên nghiệp” hiện đang là cụm từ rất thịnh hành được nhiều người, nhất là các Doanh nghiệp rất thích dùng. Nhưng hiểu thế nào là chuyên nghiệp và nhất là làm sao là “con người chuyên nghiệp” thì không phải ai cũng có thể. Tôi xin kể một chuyện về “con người chuyên nghiệp” mà tôi đã gặp cách đây hơn 30 năm. Hồi đó thì tôi chưa hiểu đấy là chuyên nghiệp, nhưng nay nghĩ lại thì đúng là chỉ có người chuyên nghiệp mới làm vậy. Câu chuyện như sau :
Hồi đó, khi tôi còn học tại CHDC Đức, một lần có chuyện phải đi Berlin. Sau khi xong việc, sắp tới giờ tàu (lửa) chạy (hồi đó chưa có tàu điện – E.Bahn – như ngày nay, mà là tàu với đầu máy Diesel), tôi từ từ ra ga. Rất chắc ăn, chiếu theo vé tàu đã mua, xem bảng giờ khởi hành ở sân ga, tôi ra bến tàu (Bahnsteig), thấy tàu của mình đã đứng đó. Còn 5 phút nữa tàu chạy. Rất vừa phải. Lên tàu kiếm ngay một chỗ ngả lưng ngủ một giấc sau mấy ly bia vừa uống với thằng bạn ở Berlin. Yên chí lớn, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ nữa sẽ về tới Dresden, nơi tôi ở, một thành phố đẹp thuộc miền Nam Đông Đức gần biên giới Tiệp Khắc.
Hành khách lên tàu ồn ào - kệ mẹ nó ! ngủ đã. Tàu bắt đầu lăn bánh – kệ mẹ nó ! đang ngủ mà. Có người lắc lắc vai tôi kêu dậy. Cái gì vậy ? – Soát vé – Đây, kiểm lẹ để tao còn ngủ. Tôi uể oải rút vé đưa ra. Xin lỗi, anh đi đâu vậy ? – Cái gì ? Dresden chứ còn đâu – Đi đâu ? Thằng cha soát vé gằn giọng hỏi lại – Vé ghi rõ Dresden rồi còn gì ? Chớ bộ mày muốn tao mua vé đi Rostock (một thành phố cảng ở miền Bắc) à ? Thật bực mình. Tôi càu nhàu vì bị phá giấc ngủ. – Thằng soát vé bỗng cười ngất, xung quanh, hành khách đang chăm chú nhìn vì tôi là thằng ngoại quốc duy nhất trong toa cũng bật cười theo. Giật mình tôi hỏi : Cái gì vậy ? Tại sao tụi mày cười ? – Đúng vậy, đây là tàu đi Rostock chớ đâu phải Dresden ! – Hả ? Tao lên tàu ở bến số… vào lúc …giờ trước lúc khởi hành đúng 5 phút mà sao lại là Rostock ? Xin tụi mày đừng đùa nữa, để tao ngủ một chút ! – Ha, ha… đám thanh niên trong toa cười rộ, còn đám già thì lắc đầu nói với thằng soát vé : Thôi, mày bỏ qua đi. Nó là ngoại quốc nên không biết …. Tôi bỗng tỉnh ngủ và hoảng thực sự : Cái gì vậy ?.... Sau một hồi nghe giải thích tôi mới biết thì ra tàu của tôi bị trễ giờ 10 phút và do vậy 3 phút trước giờ chạy theo dự kiến của tàu tôi, tàu đi Rostock mới khởi hành, mà tôi leo lên 2 phút trước đó. Thông báo có ghi trên bảng điện tại ngay bến, nhưng tại buồn ngủ quá nên tôi không chịu xem, lại thấy tàu đậu ngay đúng chỗ phải đậu thế là quên hết. Bấy giờ nhớ lại mới thấy hèn nào lúc ở sân ga tụi hành khách đứng đợi trông ngóng đông thế và nãy giờ trên tàu thấy toàn tụi nói giọng miền Bắc mà mình không để ý. Thôi chết mẹ rồi, làm sao đây ? Tàu vẫn lao vun vút về phía Bắc đã gần 1 tiếng đồng hồ. Đây lại là tàu nhanh chỉ dừng ở một vài ga chính… Tôi lắp bắp nhìn thằng soát vé : Tôi, tôi… hết tiền rồi. Nó mà bắt mua vé thì bỏ mẹ, lại còn phạt nữa chứ. Chết cái chắc. Thằng soát vé cũng lúng túng một lúc rồi nói : Thôi, đến ga tới, tàu sẽ dừng 2 phút, anh xuống đón tàu quay lại. Nói rồi nó trả tôi cái vé còn nguyên chưa bấm lỗ kiểm soát – Cám ơn ! Không thể nói gì hơn câu đó. Tôi ngồi thừ mặt ra trong sự thông cảm của hành khách cùng toa. May mà trời bắt đầu tối, nếu không cái mặt tôi chắc trông “chẳng ra cái giống gì !”
Tàu sắp đến ga tới, thằng soát vé lại tìm tôi dẫn ra gần cửa đứng đợi và nói : Tàu chỉ dừng 2 phút, anh phải xuống nhanh. Tôi đã báo với Trực ban ga rồi, họ sẽ có cách giải quyết cho anh về Dresden – Cám ơn nhiều ! Tàu dừng, cửa mở, tôi nhẩy xuống, một sĩ quan Đường sắt đã đứng đợi sẵn. Thằng soát vé nói xuống : Ông chăm sóc nó giùm tôi. Cám ơn ! – Không sao, tao sẽ giải quyết tốt ! Tàu tiếp tục lắn bánh. Tôi đứng lại trên một cái ga lẻ, sân ga chỉ có một bến tàu duy nhất. Gió thổi ào ào, lạnh buốt, trước mặt là ông già trực ga cần cái đèn pin ngoắc ngoắc : Theo tao. Tôi lúi cúi theo ổng đi vô nhà hàng ga nhỏ xíu, vắng hoe. Một bà mập ú đứng sau quầy hỏi : Bia ? – 2 bia ! Ông già nói và nhìn thấy bộ mặt miễn cưỡng của tôi, ổng nói thêm : Tao trả. Rồi ổng dắt tôi lại một cái bàn ngồi xuống hỏi : Chuyện gì xảy ra với mày vậy ? – Tôi ngượng ngùng trình bày sự việc.
- Uống miếng bia đi - Ổng nói – Mày hết tiền rồi phải không ? Tôi mở ví …, Ổng gạt đi - Mày là sinh viên ? – Tôi móc thẻ đưa ổng coi. Ổng hý hoáy ghi chép vài con số gì đó rồi trả lại - Được rồi, nửa tiếng nữa tàu sẽ tới. Uống hết thì kêu thêm – Quay sang bà mập : Tính tiền thằng nhỏ nước ngoài này cho tao nghe.
Tôi lắp bắp : Cám ơn ông. Với tôi thế là đủ rồi – Mà không đủ sao được, cũng chỉ vì mấy ly bia mà tôi bị rơi vào tình cảnh này. Ông già phẩy tay, đứng lên đi ra ngoài bỏ tôi ngồi lại một mình trong im lặng. Nhà hàng vắng lặng không có ai trừ bà mập đang lim dim ngủ gật sau quầy. Tôi vôi rút cuốn “Bảng hướng dẫn giờ tàu trên toàn quốc” lúc nào cũng thủ sẵn trong túi ra xem. Mồi điếu thuốc, nhấm nháp ly bia, tôi thử tính toán xem từ cái ga lẻ này tôi có thể đi đâu đến chỗ gần nhất có các bạn có thể giúp đỡ mình. Từ từ vì mệt và căng thẳng tính mãi không ra, tôi gục xuống ngủ lúc nào không hay….
Ông già trực ga quay lại dẫn tôi tới giao cho một xe Cảnh sát đậu sẵn trước cửa từ hồi nào đưa tôi về đồn. Tại đây tôi được vào một phòng tạm giam không khóa cửa và ngủ tạm qua đêm trên một cái giường gỗ cứng ngắt với tấm mền len y như hồi sơ tán. Sáng ra tôi được cảnh sát áp tải tới ga bàn giao cho một sĩ quan Đường sắt đi kèm về tới Dresden do đã có sự bảo lãnh của nhà trường. Sau đó, suốt mấy hơn tháng trời, tôi đã phải nai lưng ra đi “cày” cật lực để trả nợ tiền nhà trường đã mua vé và đóng phạt cho tôi đúng theo quy định. Một quy định nghặt nghèo nhưng có lẽ là hợp lý. Theo đó, thẻ sinh viên chưa đủ để giảm giá (vé sinh viên chỉ bằng 1/3 vé chính thức) mà còn cần phải có giấy của trường (Bescheinigung) ghi rõ tuyến đường sinh viên đó đi. Thứ này tôi làm gì có, vì đi nhầm tàu mà. Và cũng theo quy định, vé bán trên tàu không có giá cho sinh viên mà còn phải cộng thêm 1 Mark và bị phạt thêm tối thiểu 50% giá vé (đấy là chưa kể “dịch vụ áp tải và coi giữ tôi của cảnh sát và ngành đường sắt). Ôi thôi đủ thứ rắc rối ! Đã thế, Sứ quán còn không tha, gọi lên, gọi xuống bắt làm kiểm điểm, truy hỏi tôi đi đâu ? làm gì ? để làm mất “uy tín” của người VN tại Đức….
- Dậy, tàu đến rồi ! Tiếng gọi của ông già làm tôi giật mình. Thì ra là một giấc mơ. Trời lạnh mà mồ hôi tôi ứa ra ướt sũng áo. Tôi vội uống nốt miếng bia còn lại trong ly, xách túi chạy theo và không quên quay lại cám ơn bà mập đã chào tạm biệt, chúc tôi may mắn.
Trong chốc lát, đoàn tàu từ miến Bắc đã lao tới thắng ken két trên sân ga. Cũng vội vã như khi tới, tôi được lên một toa tàu đã mở cửa sẵn với sự đón tiếp của chính ông Trưởng tàu.
- Đây là thằng nhỏ ông đã nói ? Ông Trưởng tàu hỏi - Ừ, hãy giúp nó như có thể ! Cám ơn nhiều !- Ông già nói xong quay sang tôi : Lên lẹ đi ! Tạm biệt và mong không gặp lại mày trong tình trạng này nữa nhé – Tối bối rối cám ơn ông và lên tàu. Tàu lập tức lại lao đi trong bóng tối…
Ngay sau khi tàu rời khỏi cái ga lẻ, ông Trưởng tàu quay sang tôi lúc đó vẫn còn đứng lớ xớ đó không biết phải làm gì và đi đâu. Mà đi đâu trên con tàu khuya vắng hoe chỉ có vài ba hành khách đang ngủ khì – Rồi, mày còn bao nhiêu tiền ? - Dạ khoảng 12 Mark. Tôi dốc hết số tiền trong ví cầm ở tay đưa ông - A hà, để tao tính xem … 12 Mark … thì vừa đủ … tiền vé sinh viên từ đây về tới Oranienburg (nơi có ga xe điện nhanh – S.Bahn - của Berlin xa nhất về hướng Bắc). Tao bán cho mày một vé tới đó mày xuống đi xe điện về Ga Trung tâm rồi chuyển sang tàu lửa về Dresden bằng vé mày đã có – Ông cắt một vé đưa tôi, nhận tiền rối nói tiếp : Đó là giá vé tàu thường, còn vé tàu nhanh có thêm phụ thu (Zuschlag) 3 Mark thì tao mua giùm mày – Vừa nói, ông vừa cắt thêm vé phụ thu đưa tôi trong sự ngạc nhiên cực kỳ. Mẹ, thằng cha này có khùng không nhỉ ? Trên tàu chẳng có một ai. Hắn không nói, tôi thì chắc chắn là không rồi, việc gì hắn phải mất thêm 3 Mark. Không hiểu được !!! Nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài câu : Cám ông rất nhiều – Không có gì ! Thôi mày kiếm chỗ ngủ đi, khi nào tới tao kêu - Ổng dợm bước đi, nhưng bỗng quay lại : Chắc mày không còn tiền để đi xe điện về Ga Trung tâm. Đây, cầm lấy 1 Mark ! Ổng đưa tiền rối bước đi thẳng không thèm nghe câu cám ơn của tôi.
Từ đây trở đi thì mọi chuyện đã qua, không có gì để kể nữa. Song lúc bấy giờ tôi vô cùng ngạc nhiện về sự “điên khùng” của tụi Đức, đặc biệt là ông Trưởng tàu đã phải cố gắng suy nghĩ, tính toán vận dụng và lại còn móc tiền túi (một sự hiếm có đối với dân Đức nổi tiếng “keo kiệt”) chỉ để giải quyết cho đúng quy tắc vì một thằng nhóc nước ngoài không quen biết. Câu chuyện đọng mãi trong tôi cho tới khi tôi hiểu ra cụm từ “chuyên nghiệp” thực chất là như thế nào. Tối hôm đó tôi đã được gặp những con người chuyên nghiệp chứ không phải như những cái máy. Chất “chuyên nghiệp” của họ đã ngấm vào máu xương trở thành bản tính tự nhiên trong mọi hành động và suy nghĩ rất nguyên tắc và rất “con người” ! Đó mới là “tính chuyên nghiệp” thực thụ.
5 nhận xét:
Tính chuyên nghiệp và người chuyên nghiệp là cái quá thiếu ở VN.
Khi tôi còn đi học ở LX cũ, các tuyến xe lửa trên đất nước mênh mông này đều đã chạy điện. CNCS= Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa toàn quốc. Bi giờ thì chính quyền Xô viết ko còn nữa, điện khí hóa còn mãi.
Quả thật người Đức là vậy. Thậm chí người đông hay tây Đức đều rứa. Rất trách nhiệm và rất con người!
Chào amk3.
CNCS = CQXV + ĐKHTQ
Đây là công thức toán học, và chính vì là công thức toán học, nên chúng ta có thể hoán:
CQXV = CNCS - ĐKHTQ
HCQuang
Tàu điện ngầm Maxcova thì nguy nga, Nhật, HongKong thì tiện nghi...của Đông Berlin thì chẳng giống ai: tự mua vé từ cái máy cổ lỗ sĩ, tự đục vé cũng bằng cái tương tự, lâu lâu mới thấy người kiểm soát, tàu chạy 1 hồi dưới đất lại ngoi lên nhìn thấy nhà cửa rồi lại chui xuống. Nghe nói nó có từ thời Quốc Xã, người Dân có khi tránh bom ở đó, rồi Hitler xả nước xuống để chặn bước Hồng Quân...thế nhưng sau nhiều năm tôi chỉ nhớ đến cái loại tàu điện "cổ lỗ" này...chắc bởi tính Lịch Sử
Đăng nhận xét