Trần Thắng Lợi
HỌC SINH KHOÁ 3 TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
Hồi ký của đồng chí Trần Thắng Lợi về chuyến đi tiếp quản các sân bay phía Nam và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
--------------------------------------------
Tháng 10 năm 1974 từ Ba Lan trở về, được Cục cán bộ phân công công tác, tôi về quân chủng PK-KQ, anh Bùi Vinh và một số anh em khác được phân công về BTL công binh.
Thời gian đó ta đang đàm phán với Trung Quốc về việc đưa Trường không quân của ta đang huấn luyện tại Tường Vân (Vân Nam, Trung Quốc) về Việt Nam. Trung Quốc sẽ giúp ta cải tạo sân bay Kiến An để đưa Trường không quân về.
Tôi được phân công về sân bay Kiên An, công tác tại phòng Xây dựng để thực hiện nhiệm vụ này.
Đầu tháng 1 năm 1975, ở miền Nam quân ra đánh chiếm thị xã Phước Long mở rộng vùng giải phóng làm quân Nguỵ hoảng loạn, vu cáo Cộng sản phá hoại Hiệp định Pari lấn chiếm Phước Long.
Trung tuần tháng 3 năm 1975, quân ta tiến công thị xã Buôn Mê Thuột, giải phóng hoàn toàn thị xã, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Những đòn phủ đầu chớp nhoáng của ta đã làm cho quân Nguỵ hoảng loạn, phản ứng yếu ớt.
Trước tình hình đó Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tiếp đó là các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Các căn cứ quân sự như hải cảng, sân bay đều bị ta chiếm giữ.
Để sử dụng các sân bay này, Bộ Tổng tư lệnh giao cho quân chủng PK-KQ cử các đoàn vào tiếp quản sân bay vùng mới giải phóng.
Đoàn của Trường không quân được giao nhiệm vụ thành lập 3 đoàn đi tiếp quản 3 sân bay Nha Trang, Cam Ranh và Phan Rang. Do thiếu cán bộ nên anh Vinh được Bộ tư lệnh Công binh tăng cường cho đoàn đi tiếp quản sân bay Nha Trang.
Ngày 5 tháng 4, chúng tôi xuống tàu của Hải quân rời Hải Phòng đi vào Đà Nẵng. Trên tàu an hem trò chuyện vui vẻ về thắng lợi của ta trên các mặt trận, Mỹ đã thất bại, ký Hiệp định Pari không dám đưa không quân và máy bay B52 ra đánh ta như năm 1972 nữa.
Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, tối ngày 6 tháng 4, chúng tôi đã tới Đà Nẵng cập cảng Tiên Sa. Chúng tôi phải chờ mất một ngày để liên lạc với Bộ Tư lệnh tiền phương, điều động xe của đoàn 559. Xe của đoàn 559 chở chúng tôi vào sân bay Đà Nẵng nghỉ tạm một đêm, sáng hôm sau chúng tôi lên đường tiếp tục hành quân.
Trên đường hành quân, nhiều chiếc cầu qua các sông trên quốc lộ 1 bị quân Nguỵ phá huỷ trên đường rút chạy nên đoàn phải dừng lại chờ qua phà hoặc cầu phao do Công binh ta lắp. Ngược chiều với đoàn xe chúng tôi là đoàn dân di tản sau một thời gian chạy loạn đang trên đường trở về quê nhà.
Chúng tôi hành quân ngày đi đêm nghỉ, mỗi khi xe dừng lại nghỉ trưa hoặc tối, anh em nuôi quân nổi lửa nấu cơm, canh phục vụ chu đáo, thức ăn mang theo toàn là đồ hộp.
Khi xe đến Bình Định, quê của đồng chí Bảo cán bộ miền Nam tập kết đã diễn ra cảnh xúc động, sau 21 năm xa cách vợ chồng anh Bảo mới lại sum họp, gia đình đoàn tụ. Từ nay chiến tranh đã vĩnh viễn qua đi, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà.
Phong cảnh duyên hải miền Trung thật là đẹp, khi đi qua đèo Cả quang cảnh sơn thuỷ hữu tình làm mọi người phải ngỡ ngàng.
Trên đường hành quân, qua sóng của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi nhận được tin Thành phố Nha Trang hoàn toàn giải phóng.
Chiều ngày 10 tháng 4, chúng tôi đến Nha Trang. Dọc đường đi, các toà nhà trên các dãy phố đều cắm cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng MNVN.
Đoàn chúng tôi đến Trụ sở Hành chính của thành phố, nơi Uỷ ban quân quản đang làm việc. Được biết đoàn của quân chủng PK-KQ vào làm nhiệm vụ tiếp quản, các đồng chí vui mừng và cấp ngay giấy phép của Uỷ ban quân quản vào tiếp quản sân bay Nha Trang. Các đồng chí trong Uỷ ban quân quản người Bắc có, người Nam có đều là cán bộ nằm vùng hàng chục năm trong vùng địch hậu.
Đoàn xe chúng tôi tiến vào sân bay, một đồng chí cảnh vệ thuộc binh đoàn Tây Nguyên đã giải phóng Nha Trang hôm 5 tháng 4 kiểm tra, sau đó chỉ dẫn cho chúng tôi tới vị trí đóng quân.
Sân bay Nha Trang là trung tâm huấn luyện phi công của Mỹ-Nguỵ có đường băng là BT nhựa, có hệ thống sân đỗ cho máy bay chiến đấu, máy bay vận tải. Trong khi rút chạy hoảng loạn, quân Nguỵ đã bỏ lại nhiều máy bay cùng trang thiết bị đi cùng.
Sân bay Nha Trang được xây dựng từ thời Pháp có đủ hệ thống nhà làm việc, kho xưởng rất cơ bản như sân bay Bạch Mai, Gia Lâm, đến thời Mỹ-Nguỵ chỉ xây them một số công trình, về nhà cửa chủ yếu là công trình tạm, dã chiến mái lợp tôn, tường ván ép song rất tiện nghi và sang trọng.
Thành phố mới được giải phóng, trật tự vẫn chưa được lập lại, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng súng nổ, ban đêm máy bay C130 của quân Nguỵ vẫn bay dọc quốc lộ 1 bắn chặn các đoàn xe của ta. Chúng tôi ở lại Nha Trang 5 ngày, trưa ngày 16/4, Bộ Tư lệnh tiền phương quân chủng PK-KQ chỉ thị cho đoàn tiếp quản sân bay Phan Rang tiếp tục hành quân, anh Bùi Vinh cùng đoàn Nha Trang, Cam Ranh ở lại.
Đoàn chúng tôi tiếp tục tiến vào Phan Rang. Khi đoàn xe đi qua thị xã Cam Ranh khoảng 10km, quang cảnh chiến trường hiện ra, hai bên đường khói lửa cháy khét lẹt, nhà cửa bị cháy, có nhà vẫn còn cắm cờ ba que của Nguỵ quyền, thỉnh thoảng có xác lính Nguỵ nằm chết hai bên đường, xác xe bọc thép bị ta bắn cháy nằm chắn giữa đường cản trở việc lưu thông trên quốc lộ 1. Đi ngược chiều với đoàn chúng tôi là các xe ca, xe tải chở dân di tản trở về quê nhà sau thời gian chạy loạn.
Khoảng 6 giờ tối xe của đoàn chúng tôi tiến vào sân bay Phan Rang. Trưa ngày hôm đó (ngày 16 tháng 4) cánh quân phía đông của ta với lực lượng quân đoàn 2 làm nòng cốt đã đánh chiếm thị xã Phan Rang giải phóng toàn bộ thị xã Phan Rang- Tháp Chàm và sân bay Thành Sơn (còn gọi là sân bay Phan Rang), đập tan tuyến phòng thủ từ xa của Nguyễn Văn Thiện. Đoàn chúng tôi dừng lại tại sân đỗ đầu nam sân bay.
Do trời tối, chúng tôi phải dung đèn pin để soi sang nơi chúng tôi dừng. Trên sân đỗ, đồ đạc quân trang quân dụng của địch bỏ lại rất nhiều, từ quần áo chăn màn đến đồ hộp lương khô ..v.v.. Khoảng 5 giờ sáng, bộ đội ta nhảy lên những chiếc xe máy Honda, Suzuki do địch bỏ lại rú ga chạy trên đường băng. Anh Trí trưởng đoàn tiếp quản tìm đến khu trung tâm liên lạc với Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Lê Trọng Tấn-Tư lệnh mặt trận, đồng chí Lê Quang Hoà- Chính uỷ mặt trận niềm nở tiếp đoàn chúng tôi và giao nhiệm vụ cho đoàn tiếp quản sân bay Phan Rang và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 25 mặt trận Tây Nguyên ở lại bảo vệ sân bay Phan Rang, các đơn vị còn lại tiếp tục hành quân truy kích địch. Tối hôm đó, ta và địch tiếp tục giao chiến, tiếng đạn pháo hai bên bắn nhau tiếp tục nổ vang tại thị trấn Cà Ná cách Phan Rang 30km.
Ở sân bay được 2 ngày, ngày thứ 3 Uỷ ban quân quản thị xã Phan Rang- Tháp Chàm lên làm việc với sân bay về việc khôi phục lại hệ thống cung cấp điện nước cho sân bay hoạt động bình thường phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 22 tháng 4 Bộ Tư lệnh tiền phương quân chủng PK-KQ cơ động tới sân bay. Đồng chí Hoàng Ngọc Diệu- phó Tư lệnh Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn, đồng chí Trần Hạnh- phó Tư lệnh binh chủng không quân, đồng chí Trần Mạnh- phó Tư lệnh binh chủng không quân làm phó đoàn cùng một số đồng chí khác đến giao nhiệm vụ cho đoàn chuẩn bị tiếp đón máy bay, phi công, thợ máy từ Đà Nẵng vào để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Trưa ngày 23 tháng 4, 4 máy bay A37 cùng 6 phi công biên đội Quyết thắng do đồng chí Nguyễn Thành Trung làm biên đội trưởng đã hạ cánh xuống sân bay an toàn chuẩn bị cho chiến dịch. Trung đoàn có anh Từ Đễ (anh bạn Từ linh học sinh khoá 3).
Sở chỉ huy đóng tại ngôi nhà 2 tầng gần trung tâm sân bay nơi đoàn tiếp quản đang sử dụng. Nhà rộng, nhiều phòng bố trí nơi ăn nghỉ, làm việc của Bộ Tư lệnh tiền phương rất thuận tiện.
Thợ máy ăn nghỉ tại các nhà vòm khu sân đỗ trực chiến. Toàn bộ các phương tiện đảm bảo: xe nạp dầu, xe điện khí, xe nâng bom..v.v..đều do thợ sử dụng từ Đà Nẵng vào.
Đường băng, đường lăn sân bay sau chiến dịch tương đối ngổn ngang, muốn hoạt động được phải thu dọn các chướng ngại vật như ô tô, xe máy cùng quân trang, quân dụng địch vứt lại. Chúng tôi đã huy động anh em bộ đội Trung đoàn 25 don dẹp vệ sinh 3 ngày để đường băng đường lăn sân đỗ sạch sẽ đưa vào sử dụng, đảm bảo cho máy bay hoạt động bình thường.
Chiều ngày 28 tháng 4, vào lúc 14 giờ, đồng chí Hoàng Ngọc Diệu giao nhiệm vụ cho các phi công Biên đội Quyết thắng chuẩn bị xuất kích tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng chí nói :”Đây là cơ hội cuối cùng để quân chung PK-KQ lập công, nếu bỏ lỡ thời cơ thì không bao giờ còn cơ hội nữa, chúc các đông chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về an toàn”. Sau đó đồng chí Trần Mạnh giao nhiệm vụ trên bản đồ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, mục tiêu ném bom sẽ là sân đỗ máy bay vận tải địch đang dùng để di tản.
Đúng 15 giờ, máy bay ta xuất kích, cả sân bay im lặng sau tiếng động cơ máy bay nhỏ dần. Mọi người đều hồi hộp theo dõi nhìn đồng hồ, thời gian dự kiến là 1 giờ đồng hồ máy bay sẽ trở về hạ cánh.
Vào lúc 16 giờ 15 phút, có tiếng động cơ máy bay, kia rồi, máy bay ta đã trở về, từng chiếc lần lượt hạ cánh xuống đường băng. Các đồng chí Hoàng Ngọc Diệu, Trần Mạnh, Trần Hạnh lần lượt ra đón anh em phi công từ máy bay bước xuống và ôm hôn các đồng chí thắm thiết.
Anh Nguyễn Thành Trung báo cáo :”Anh em trở về muộn 15 phút là do lần đầu bay vào Sài Gòn, không quen đường bay nên bị lạc, phải chờ nhau để chấn chỉnh đội hình”.
Như vậy đợt tập kích của không quân ta đã thành công, gây cho địch nhiều tổn thất. Đồng chí Hoàng Ngọc Diệu giao nhiệm vụ cho Biên đội chuẩn bị máy bay để sang mai 29 tháng 4 tập kích đợt hai.
Tối hôm đó, vào lúc 6 giờ 30 phút, đồng chí Trần Mạnh mở đài BBC để nắm tình hình, ngay đầu bản tin đài BBC đưa tin :”Vào hồi 15 giờ 30 phút chiều nay không biết các phi công vô kỷ luật hay Việt cộng sử dụng máy bay đã chiếm được xuất kích từ các sân bay vùng mới giải phóng, 4 phi cơ A37 đã ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm cháy nhiều máy bay vận tải”. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh tiền phương đã phấn khởi, cười vang khi nghe đài địch về kết quả đợt tập kích. Sau đó đài phát thanh tiếng nói Việt Nam cũng đưa tin tương tự. Bỗng có tiếng động cơ máy bay, sau đó có 2 tiếng bom nổ ngoài sân bay.
Khoảng 10 phút sau, đồng chí Trợ lý tác chiến từ ngoài sân bay về báo cáo :”Địch tập kích vào sân đỗ trực chiến đầu nam, bom nổ gần sân đỗ, tổn thất bên ta: 1 nhân viên bị thương do sức ép”.
Đồng chí Hoàng Ngọc Diệu ra lệnh sơ tán các anh em ra khỏi khu vực sân đỗ, kéo máy bay vào các vòm để máy bay để tránh địch ném bom trở lại. Đêm hôm đó địch không tập kích đợt nào nữa.
Sáng hôm sau đồng chí Hoàng Ngọc Diệu chỉ thị tiếp tục chuẩn bị để tập kích đợt 2.
Khoảng 9 giờ có tiếng động cơ máy bay, chúng tôi chưa nhìn thấy máy bay thì đã nghe tiếng bom nổ ở ngoài sân bay. Hai chiếc F5 của địch trút bom xuống sân bay, sau đó tẩu thoát nhanh sợ bị máy bay của ta truy kích.
Biết địch đã phát hiện ra máy bay ta xuất phát từ sân bay Phan Rang, địch ném bom sân bay. Để đảm bảo an toàn cho máy bay, phi công và thợ máy, Bộ chỉ huy quyết định quân ta dãn ra khỏi sân bay, phân tán để tránh tổn thất khi địch tập kích.
Tranh thủ thời gian, tôi gặp anh Từ Đễ để hỏi thăm tình hình. Anh Đễ cho biết :”Đang ở sân bay Thọ Xuân bay MIG17 để yểm trợ cho bộ đội ta hành quân thần tốc ta mặt trận thì nhận được nhiệm vụ cùng 4 đồng chí phi công khác vào Đà Nẵng để tập bay máy bay A37 chiếm được của Mỹ để tham gia chiến dịch. Sau 7 ngày học hỏi và mày mò, sau đó bay thử cùng anh Nguyễn Thành Trung, anh Đễ cùng 4 anh em phi công khác đã làm chủ được máy bay”.
Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tiếp tục đưa tin thắng trận của chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng của cánh quân phía đông mà Quân đoàn 2 làm nòng cốt đã tiến vào dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hang, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Các đồng chí trong Bộ tư lệnh tiền phương di chuyển vào Sài Gòn để tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi ở lại Phan Rang cùng anh em Uỷ ban quân quản ăn mừng chiến thắng, mừng Tổ quốc từ nay chấm dứt chiến tranh, hoà bình sẽ vĩnh viễn lập lại, Bắc Nam thống nhất sum họp một nhà.
Hôm nay, sau 38 năm thống nhất, đất nước đã đổi thay nhiều. Sân bay Phan Rang ngày nào còn do Bộ chỉ huy tiền phương quân chủng PK-KQ điều hành, nay đã là căn cứ của Trung đoàn không quân 937 làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, bảo vệ vùng kinh tế biển của Tổ quốc vẫn giữ được truyền thống của Biên đội Quyết thắng ngày nào.
Tôi được vinh dự tham gia phục vụ cho Biên đội Quyết thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Mong các đồng chí và các bạn chia sẻ niềm vinh dự đó.
6 nhận xét:
Rất cần có thêm các bài viết như thế này ở anh chị em BT
Chào Bạn Lợi,
Tuấn Linh rất vinh dự được chia sẻ với Trần Thắng lợi!Chúc bạn mạnh giỏi vẫn như ngày nào.
Chúc mừng bài viết của Trần Thắng Lợi...Hay lắm và như TuaLinh nói:chúc bạn dồi dào như xưa (Dẫu biết rằng khó có ai sẽ được như vậy)
Hay quá ! Một thời oanh liệt của anh Trần Thắng Lợi. Tuy không dài, nhưng rất ý nghĩa.
Anh đã đóng góp rất cụ thể và thiết thực cho cuộc Tổng tiến công oai hùng của QĐNDVN.
Chia sẻ niềm vinh hạnh này của anh.
Mong anh có nhiều bài viết cho trang mạng của trường Nguyễn Văn Trỗi.
Mong có nhiều bai viết và nhiều thể loại dự Đăng hoặc trong tâp Sinh ra trong khói lửa T4 hoặc để cùng nhau thưởng thức (k3)-(các khóa) Hãy gưi về cho Tuân linh,Anh minh ,Ng Cương,Văn Trung T Hải, H Giang, T Tường hay Thai chi96@ yahoo.com để được đưa lên mạng k3.Ai mà không có một kỷ niệm để nhớ mãi-cho bạn mình được đọc với.
Ngạc nhiên về việc sân bay Phan Rang hai lần bị KL VNCH tẩn bom trước 30/4/75 mà không thấy ở đâu nói?
Đăng nhận xét