Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

56 năm Ngày Chiến thắng trận Điện Biên Phủ



HOAN HÔ CHIẾN SỸ ĐIỆN BIÊN
Tố Hữu

Tin về nửa đêm
Hoả tốc ! Hoả tốc !
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa...

Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp !
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà !
Vinh quang Hồ Chí Minh
Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại !
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng !
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung...

Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Chiến sỹ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn !
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường
cho xe ta lên chiến trường tiếp viện

Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống !
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng :
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng,
Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên !
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời ?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt !
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt !
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta !
Chúng bay chỉ một đường ra :
Một là tử địa, hai là tù binh.
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm !
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm !
Trông : bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông : chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng !
Hoan hô chiến sỹ Điện Biên !
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông


Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói : "Thực dân, phát xít
Đã tàn rồi !
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên !"

05 - 1954.

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Giọt Tây Nguyên tí tách

  Năm ngoái tôi vào Tây Nguyên đi vội làm hùng hục uống quần quật. Chuyến năm nay thư thả hơn, có thì giờ “nếm náp” cảnh vật, con người - cả mới lẫn cũ, mà chưa thể là “tiêu biểu” của vùng đất được. Không vào vùng sâu rất khó tìm ra “gương mặt tiêu biểu”, khi hội diễn văn nghệ cỡ huyện có cả Then Tày, múa Chuông Dao, Quan họ Kinh… cạnh “đặc sản bản địa” cồng chiêng.
  Quốc lộ 14 xuyên Tây Nguyên trước thênh thang, có thể nhìn thấy cột bụi cao ba chục thước rong chơi trên đồi vắng. Giờ thì y như sông Hồng đoạn qua các đô thị, nó bị nhốt chặt. Dã quỳ không đung đưa cả vạt thành sóng mạnh, mà thưa thớt, đem về nhà cắm héo rũ ngay. Nhà gạch của người Kinh, sơ sài hay “hoành tráng lệ”, đều kè kè mặt đường, thỉnh thoảng chen vào căn nghĩa địa nhiều thập ác, vết tích của một làng Ba na hay Ê đê. Đôi chỗ “hàng rào” xây hở ra, trông thấy thung lũng lác đác nhà và bạt ngàn cà phê, khiến bật ra câu hỏi “Ô, thế cuộc sống dưới ấy thế nào nhỉ?”.
  Buôn Ma Thuột (tức “buôn của bố ông Y Thuột”), thủ phủ Đắc Lắc, khu công quyền và dân cư không có vẻ đặc trưng phố núi lắm. Phẳng phiu về địa hình, ít bản sắc kiến trúc, thật ít “đồng bào” đi bộ đeo gùi, thật nhiều tiếng Quảng, tiếng Bắc. Nổi bật là tượng đài xe tăng ở Ngã Sáu, toà biệt điện Bảo Đại, những gốc đa, long não còn tơ mà to cỡ cổ thụ trăm tuổi ngoài Thủ đô, vì đất quá tốt. Nhưng chịu khó ra ven ngoại, mà phải đi bộ, thì được chứng kiến một cuộc sống khác, thực hơn, có lẽ thế, với những cộng đồng dân cư, tôn giáo đa sắc hết sức.
  Đó là đường Phan Chu Trinh chạy rất dài, rẻo cuối ngự toà Giám mục duyên dáng mô phỏng nhà dài Ê đê. Duyên dáng là phải, vì do các sơ Thuỵ Điển, Pháp xây cách nay trăm năm có lẻ. Rẽ trái một chút là đụng buôn Akô Dhông của ca sĩ Y Zắc, một địa điểm du lịch. Xinh đẹp, phải nói thế, với những khuôn viên xén tỉa cẩn thận, dậu hoa chi chít bướm bay, “Shop Thổ cẩm” có cả khung cửi. Nhà già làng Ama H’rin chuyên tổ chức những đêm rượu cần cồng chiêng, khách Tây được múa với rốc ráp bên những cô gái đen giòn mình mẩy chắc nịch. Nhưng Akô Hdông không còn bến nước, một trong những biểu trưng buôn làng. Tôi đi tìm, người ta chỉ vào cái khe tù đọng vương vãi túi ni lông. Khoảng rừng thiêng, nơi cúng thần cây thần rừng lần cũng khó, người đàn ông tóc xoăn tít gặp trên đường hỏi gì cũng chỉ “Ừ!”. Lại nhớ câu ngậm ngùi cho văn hoá rừng của phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Không giữ được đâu…”.
  Đó là phường Tự An dưới lũng thấp, chỗ cư trú của những tập người lên (hoặc vào) trước năm ’75, chi chít những kiến trúc tôn giáo. Bốn giờ chiều, chuông nhà thờ đổ dồn bên chuông chùa, tiếng trống phách đàn đáy đền Mẫu, những bà cụ khăn vấn áo dài, có nhẽ nói giọng Kim Sơn Phát Diệm. Chùa Phổ Minh mới trùng tu nguy nga ngự trên đồi, xuôi xuống cổng có tấm bia công đức ghi tên Phật tử hiến đất, “đạo hữu” - tức người Công giáo - bán đất cho chùa, và đôi rồng đá lớn cỡ đôi trong điện Kính Thiên Hà Nội, tất nhiên “mới cứng”. Có cảm giác các tôn giáo đều đang “hoằng dương” ở đây, trong khi bên chính quyền lại ấp ủ ý đồ làm một con hồ nương theo suối Ea Tam. Lũng thấp, êm đềm, mà có thể sẽ rất “nóng”.
  Buôn Ma Thuột có chừng mươi ngôi chùa, tuổi cao nhất là Khải Đoan, bà Từ Cung mẹ ông Bảo Đại làm năm 1950 để “kỉ niệm” mình – Đoan Huy hoàng hậu - với vua Khải Định, nguy nga đúng kiểu “chùa vua”. Thầy trụ trì tịnh xá Ngọc Quang thấy tôi chịu khó hỏi, chịu khó nghe, muốn tặng bộ Nam Hoa Kinh, tôi thưa không dám, vì tâm chưa tĩnh, chỉ xin cuốn “Nghi thức tụng niệm” mỏng.
  Giáp đường Phan Bội Châu gặp Điện Biên Phủ toạ đình Lạc Giao, ông Phan Hộ đưa dân Kinh từ Khánh Hoà lên xin tù trưởng Ama Thuột cho lập năm 1928. Đình là cấu trúc văn hoá – tôn giáo của người xuôi, hình như cả Tây Nguyên chỉ có ngôi này. Lạc Giao thờ thần hoàng bản thổ là Đào Duy Từ, mà hình như cụ Đào chỉ để lại dấu ấn Luỹ Thầy ngoài Quảng Bình chứ không khai phá gì trên cao nguyên sất. “Tôi gốc Nam Bộ, ba làm hội đồng nên như là có căn trông đình vậy”, ông trông coi tên Nguyễn Văn Bẩy tự giới thiệu trước khi châm chuyện quá khứ. “Buôn Ma Thuột xưa có chợ lợp tranh tre, gọi là “chợ Xổm” vì ngồi xổm bán. Rồi chính quyền cũ xây ngôi nhà lồng, họp đông đúc lắm, người Thượng ra thành từng đoàn để tránh cọp, nay phá đi, phá luôn hai nhà dài vĩ đại, rất tiếc. Đình Lạc Giao có suối Đốc học chảy phía trước làm Minh đường, bốn giờ chiều không ai đến nữa vì cọp về. Năm bảy lăm bị bom, rồi làm kho lương thực xập xệ, đến thời ông Lạng người Ninh Bình làm chủ tịch tỉnh mới trùng tu được, là 2005. Nhiều người không biết cứ gọi “đền”…
                                                                              

Mới xuống dốc lại quành lên dốc  
Đưa thăm xa thôi lại thăm gần  
Chưa tròn buổi phố chừng muốn hết  
Đã gì đâu mà em mỏi chân…
…Nay mai ta lại về với núi  
Đứng làm tượng đá ở sườn non…

  Tác giả của những câu thơ “hờn dỗi” ấy là Tạ Văn Sỹ, đang cầm phần thơ trong báo văn nghệ Kon Tum, một thời “kiêm” chạy xe ôm. Chiếc xe cà tàng có thể hỏng bất cứ lúc nào, ai ngờ lại chở một hồn thơ đi cả sáu tư tỉnh thành của đất nước, đến nỗi mấy cha Hội Nhà văn Việt Nam bảo sẽ đưa nó vào bảo tàng Hội, chừng nào… Lần này “hồn thơ” chở tôi dọc dọc phố núi Kon Tum, kể đây là chỗ đứng lại của giáo sĩ Thừa sai ở Bắc Tây Nguyên, sau chính quyền thực dân lập nhà ngục nổi tiếng. Đến thôn Kon Rơwang ở phường Thắng Lợi, ông chỉ cây kơ nia ngót trăm tuổi đứng cạnh ngôi nhà rông văn hoá (?), tiếc nuối: “Cái cây biểu tượng của Tây Nguyên này muốn hạ phải thấm nước vào lưỡi cưa, vì nhựa rất dẻo, còn khi khô đinh đóng vào còn quẹo. Chất độc khai quang của Mỹ không làm gì được kơ nia. Nó đã được trồng ở lăng Bác. Thế mà giờ tìm ở mấy đô thị Tây Nguyên thực khó”… “Kon Tum là “ngôi làng của ao hồ, đầm lầy” quanh dòng Đăk Bla, nhưng hình thái ấy đang biến mất, vì toà ngang dãy dọc mọc lên chiếm chỗ. Tôi đi Mường Khương – Lào Cai, thấy khi xây thị trấn người ta giữ lại khu rừng thiêng của người Mông, tới Ninh Bình ngắm được cây lộc vừng hai trăm tuổi, dân tranh đấu để thoát khỏi cơn điên quy hoạch. Thế là so sánh, là ý kiến, đến nỗi có người bảo tôi ghét Kon Tum".
  “Ghét” thế nào chứ như ông thi sĩ gốc Bình Định này thì phải ơn những ý ấy rồi. Sỹ quá yêu Kon Tum, hiểu nó từ trong hồn cốt, trân trọng những giá trị cội rễ. Và tôi thấy mình thật may mắn tới xứ này được ông làm “hướng dẫn”.
  A Jar lại là một may mắn khác. Vị trí thức bản địa này đang ngồi chân hội thẩm nhân dân toà án thành phố, giơ tay biểu quyết trong các cuộc họp HĐND tỉnh, phiên âm phần tiếng Xê đăng, Ba na của báo Kon Tum dân tộc ra a bờ cờ cho bà con đọc…, nghĩa là một “cầu nối” Kinh Thượng khá điển hình. Thế nhưng đoạn đường để có tưng nấy vị trí lại không dễ đi chút nào.
  Sinh năm 1947 ở Đăk Hà, chú bé A Jar sáng sủa được hưởng lộc từ chính sách sắc tộc của chế độ cũ, về thị xã học tiểu học, theo trung học ở Huế. Tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chính dưới Sài Gòn, anh về Phú Bổn làm Trưởng văn phòng Hội đồng tỉnh, vài tháng thì Tây Nguyên về tay Giải phóng. Có chữ “nguỵ” sau lưng, A Jar đi học tập ba tháng, về nhà lấy Y Pứk người Ba na, về làng vợ ở. Bắt đầu quãng đời kiếm sống, gùi sáu chục ký gạo muối đi Sa Thầy bán, mua về mật ong, thức rừng. Đời là chiếc xe lên rồi xuống, nắng mưa thay đổi lòng chán chường, như người ta đi thế chỉ thấy vất nhưng con người có chữ nghĩa trong đầu nó vật cho khổ hơn. 20 năm sau vận đổi, bắt đầu được dùng, bắt đầu tham gia…
  Nhà A Jar ở Plei Đon (Làng Gò), bên ngôi nhà rông nóc loăn xoăn “ngọn” rau dớn. Hơn mười năm qua, ông biên dịch 24 bộ sử thi, mỗi bộ “gỡ” từ khoảng 10 băng cát xét 90 phút, làm nửa năm thu triệu hai. NXB Khoa học xã hội đã in 10 bộ Ba na, 4 bộ Xê đăng trong số đó. Rồi dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, bộ đội, khảo cứu phong tục, sưu tầm truyện cổ “Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ”, “Măng Lăng vu cáo cho Duông ăn cắp”. Tự học tiếng Anh, Pháp, bị vợ nhiếc “Muốn làm tổng trưởng à?”, đến khi hướng dẫn “tua” ba ngày đem về trăm đô, bà lại mừng húm. Tức thị đã qua thì chật vật kiếm sống, nhưng cái “tâm trạng trí thức” nó lại hành.
Dưới gốc nhãn già, trong cái nắng khô khốc, A Jar giỡ những nỗi…
  “Cán bộ đi thu âm trường ca bên Văn hoá là người Kinh, gặp nghệ nhân ngay ngắn không sao. Nhưng phải ông uống rượu, ông nhớ nhớ quên quên, tệ nhất là ông “tái bản” những đoạn đã đọc để “câu giờ” lấy tiền thì rất lộn xộn. Nhiều từ cổ thì phải hỏi người già. Và ai ngờ di sản lại lọt cả những chữ “24 giờ”, “chính sách” mới toanh vào nữa”.
  “Tôi thích sử thi, có giá trị mà không bận bịu chính trị. Mà mình dân tộc lại biết tiếng Kinh, làm từ khâu sưu tầm đến biên soạn, dịch thì mới kỹ. Tôi đã nhặt trên trăm câu tục ngữ Ba na, bao giờ đong đầy mong ra được sách, anh bảo phân theo hôn nhân, sản xuất, thời tiết… có nên không? Còn chuyện cổ viết lại thì chủ vị, xuống dòng nên thế nào nhỉ...?”
  A Jar ngoài sáu mươi, không còn nhiều thời gian lắm, muốn chỉ làm con kiến tha di sản (cũng đang “bay” theo người già) về. Nhưng cái sự chuyên nghiệp chưa nuôi nổi “kiến”…
                                                                          
                                                                        
So với Buôn Ma Thuột, Kon Tum, nhà cửa, chợ búa, con người bên Plei Ku cũng “tương tự”, nhưng đèo dốc nhiều, khí hậu mát hơn, ấn tượng phố núi rất rõ. Có những con dốc dựng ngược veo veo cánh sáo chao, những con đường đi mỏi chân không chán, tưởng đã tận lại quành sang nẻo khác. Nhà thơ Văn Công Hùng ở Hội Văn nghệ Gia Lai kể với cái giọng rền, rất hóm: “Xưa có lệ cúng Giàng con heo, nhưng cái đuôi cứ bị trai làng cắt ăn mất. Giàng giận đánh cái “bùm” thành Biển Hồ, tức cái hồ cấp nước ăn cho thành phố bây giờ. Và Plei (làng) có cái tên “Cu” (đuôi). Tôi làm quyển sách đầu tiên kể chuyện cổ dân tộc, đưa tích này lên đầu, bị ông trong thị uỷ đòi đuổi vì nói xấu địa phương…”.
  Tôi ở Wừu, con phố có cái tên đọc “đau cả mồm”, ngồi trên đỉnh dốc nhâm nhi câu “Uống cà phê phin không được “vội” như chè Thái”, “phát hiện” đơn giản mà mới mẻ với người Bắc vô. Thật lạ, ly nước trên bàn cứ trôi, giống như hồi sáng ăn mì Quảng thìa đũa chạy rần rần khi xe qua. Nhìn xuống, cái chỗ mình ngồi dông dốc, đầu này bước lên bậc thật cao, đầu kia nhào xuống chỗ thỏm. “Xứ này cái gì cũng nghiêng thế à?”

  Mùa thu trườn qua ngã tư 
 Người xe người xe đông cứng 
Mùa thu tiếng còi như thét
Em trùm mùa thu Ninja. 

Văn Công Hùng không đáp, mà đọc thơ làm hôm ra Hà Nội. Đến là tử tế!

Chú thích ảnh: Buôn Akô Dhông, Ban Mê Thuột, nhà dài Ê đê bên nhà gạch xây

  T Chiến 2009.