VAI TRÒ CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC QUÂN GIỚI TRẦN ĐẠI NGHĨA VỚI SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA QUÂN GIỚI VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(1945-1954) Lê Công
Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ sinh ngày 13-9-1913, quê nội ở Thủ Dầu Một- Binh Dương, nhưng được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Măng Thít thuộc làng Chánh Hiệp, quân Tam Bình( nay là ấp 6, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).
Từ tuổi ấu thơ và cho đến khi trưởng thành, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thân phụ- ông Phạm Quang Mùi ( 1882-1920) một nhà giáo nghèo đã từng đậu Thành Chung, làm nghề dạy học ở Vĩnh Long, am hiểu Nho học và có học vấn cao về văn hóa và văn minh Phương Tây, vì thế khi cha mất (1920) khi mới chỉ 7 tuổi và gia cảnh khó khăn, nhưng với sự nuôi dưỡng của thân mẫu- bà Lý Thị Diệu( 1881- 1941) và chị gái- Phạm Thị Nhẫn, ông vẫn kiên trì theo đuổi con đường học vấn.Năm 1926 sau khi hoàn thành chương trình tiểu học với kết quả cao, ông được nhận học bổng hạng ưu tại Trung học Mỹ Tho để hoàn thiện chương trình trung học đệ nhất cấp vào năm 1930, rời Mỹ Tho lên Sài Gòn với học bổng của Trung học Pétrus Ký, năm 1933 ông đã hoàn thành chương trình trung học đệ nhị cấp với hai bằng tú tài bản xứ và tú tài Pháp ban Toán và ban Triết.Năm 1935 với giúp đỡ của nhà báo Dương Quang Ngưu (1897-1938), ông đã nhận được học bổng của Hội Ái hữu trường Chasseloup Laubat để tới Paris (Pháp) du học, ở đây để có thể thi vào đại học, ông đã hoàn tất chương trình của một trường trung học đặc biệt trong thời gian 01 năm (giảm được một nửa thời gian theo quy chế). Sau đó với 11 năm (1935-1946) ông đã có bằng Đại học của các trường Đại học danh tiếng ở Paris như Đại học Cầu-Đường Paris, Đại học Mỏ, Đại học Bách Khoa, Đại học Điện, Học viện Thống kê, Viện Khí Động học, Học viện Kỹ thuật Hàng không và các chứng chỉ cơ bản của Đại học Tổng hợp Sorbone.
Vũ khí quân sự cũng một trong những lĩnh vực được ông đặc biệt quan tâm, rất nhiều tài liệu về vũ khí của người Đức đã được ông nghiên cứu trực tiếp bằng tiếng Đức, trong thời gian làm việc trong phòng thiết kế của một hãng chế tạo máy bay dân dụng và quân sự, ông đã tiếp cận với kỹ thuật vũ khí quân sự như súng, pháo, bom, mìn, một khối lượng lớn các tài liệu mật về chế tạo và sử dụng các loại vũ khí với khoảng trên 30 ngàn trang đã được ông bí mật thu thập và đưa về nước vào năm 1946.
Tháng 9-1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách là thượng khách của nước Pháp và tham dự Hội ngị Fontainebleau, ông đã cùng với Bác và một số trí thức yêu nước như bác sĩ Trần Hữu Tước, các kỹ sư Võ Trí Huân, Võ Đình Quỳnh trở về nước, trực tiếp tổ chức nghiên cứu, chế tạo vũ khí tại chiến khu Việt Bắc, xây dựng ngành quân giới Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp(1945-1954).(1)