Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

LÀM ĐẸP CHO ĐỜI. (P1)

TC Lần này mời các bạn thưởng thức truyện ngắn để đổi bữa.
(Hình minh họa: "Trăng muộn"  Tranh giấy dán của Lưu Hữu Trí)



Tử vi ông Lãnh có sao chữ nghĩa. Thời đi làm phải luân chuyển luôn, đi đâu ông cũng dính tới giấy tờ văn bản. Chục năm cuối thì ngồi yên văn phòng bộ chuyên quán triệt rồi thảo bài nói chuyện cho sếp. Các chủ nhật ông nghĩ cách tạo ra “nguyên nhân khách quan” cho những sự cố dồn dập, vá lũ lỹ to tướng lỗ thủng gây sụt giảm sản xuất,
Rồi về hưu, vợ coi bằng cái đinh mục, đến cơ quan chả ma nào hỏi. Mà ông còn khỏe quá, ra các cụ rặt chuyện tiêu cực, nghiên cứu nhai dầu mè chữa bách bệnh với ngâm chân nước nóng phòng trừ phong tê thấp không hề ham. Khối u uất xuất hiện: lúc tại chức lắm nơi cầu cạnh hẹn hò lắm kia mà, sao giờ chả thằng chó nào héo lánh? Là tự hỏi thôi, vì biết mình đã qua thời.
Ngày đẹp trời ấy, anh trưởng phòng Tổng hợp cơ quan (cũ) lò dò sớm, vẻ mặt hết sức nể trọng. "Việc là thế này, cụ Tăng Trọng Pháo mới quy tiên, bác làm ơn thay mặt cơ quan viết cho câu tiễn biệt".
- Điếu văn chứ gì! Tôi có viết bao giờ đâu mà sai.
- Mọi khi thì trưởng ban liên lạc hưu viết, nhưng cụ bắt đầu lẫn rồi, chúng em sinh sau soạn nhỡ thiếu sót gì sợ mang tiếng. Cụ Pháo làm bấy nhiêu năm, ưu khuyết thế nào bác nắm cả, bác cứ khảo cứu những điếu văn khác, rồi rập lại, gia đình đọc không thắc mắc gì là được.
Nói rồi vụt đi, phong bì ba trăm để lại . Ngồi một lúc, ông Lãnh lần ra đầu sợi chỉ. Hồi những năm bẩy mươi, cụ Pháo nói năng sai quan điểm thế nào đấy, phải “đi” mất mấy tháng, nhận một tạ lỗi thì về được, chuyển sang văn phòng nhong nhong công văn, gọi dạ bảo vâng như cái bóng. Giờ thời thế thay đổi, mấy anh tại chức chả biết nên nhìn nhận cái “phốt” này thế nào, đá sang cho đám lại già tự xử đây. Láu cá thật.
Bèn bần thần nhớ lại bài học ngày mới ra trường. Còn trong veo, bị đẩy ra soạn tổng kết, Lãnh bị cấp trên đánh giá “văn hay chữ xấu”. Bản ấy không dùng nhưng người viết lại chuyển lên bộ phận thư ký vụ. Ngoài xếp lịch làm việc, tiếp khách cho sếp, nghiên cứu chồng văn bản trên nóc tủ, anh phải tập viết chữ lại cho dễ đọc. Văn bản lớn đầu tiên được giao soạn là báo cáo cuối năm của tổng công ty, sếp cả ghi bên lề “Lý luận chưa đi đôi với thực tiễn”. Lãnh rất hoang mang nhưng ông chánh văn phòng lọc lõi chỉ bảo “Chả có gì đâu. Chỉ là cậu nêu lắm “khó khăn chủ quan” quá”. Sau vài lần ậm ờ, “khó khăn chủ quan” được “dịch” ra là những hạn chế yếu kém của bộ phận lãnh đạo.
- Nhưng cái đó có cơ mà…, Lãnh cãi hăng.
- Những cái có trên đời mà đưa hết có mà chúng ta còn tồn tại được ở đây à? Hay chú mày muốn đi công trường?
Thực tế văn phòng tất nhiên quan trọng hơn thực tế công trường, nên anh nhân viên mới bỏ luôn tì vết của lãnh đạo, thế vào những chỉ đạo sáng suốt quên ăn quên ngủ chả bao giờ có ngày nghỉ. Lãnh phục lăn khi ra hội nghị, sếp cả ngon lành nhận tất cả những đóng góp chân thành của cơ sở, hứa khắc phục chỗ này phát huy đoạn khác rồi chả ai còn thắc mắc gì nữa. Cuối năm sếp được chiến sĩ thi đua toàn ngành, qua năm sau đón nhận huân chương Lao động, tất nhiên báo cáo thành tích anh soạn…
Điếu văn được soạn ra trên cơ sở tham nghiên khảo lý lịch Trọng Pháo, trao đổi với cơ quan chuyên trách đã đưa ông cụ “đi” trước đây, truy sưu tầm những bản cùng thể loại khác, phết phẩy ý kiến lãnh chỉ đạo của sếp đương chức vào. Ngoài những câu "gia đình mất đi...", "cơ quan nhớ tiếc...", "ban liên lạc hưu trí thiếu vắng...", nó đủ dài để người đọc - là sếp phó - bầy tỏ hết sự tri ân của người đi sau, đủ ngắn để người nghe chưa kịp chán. Còn cái điểm chính cụ ấy mắc, ông Lãnh gửi câu “sống hồn nhiên, nhạy cảm, nên không khỏi có lúc vất vả”. Thế vừa khéo lại đủ, ai biết hay không biết “phốt” ông cụ đều hiểu theo cách của mình được. Vậy nên được duyệt cái tắp.
Ngày đám, đứng trong đám đông, ông Lãnh không nghe ai ta thán gì. Về cái phong bì, ông thấy người cũ với nhau hay hớm gì mà thù lao câu khóc. Nhưng anh văn phòng bảo "thành chế độ rồi", đã chi không ai vào lại quỹ. Bỗng dưng dôi mươi bát cháo lòng hay phở sáng, và tách cà phê sau đó, bèn thôi.
Ngày sau tang quyến lại cảm ơn cùng dăm bao thuốc, nửa cân chè Thái. Vẽ quá! Không ngờ cái sự chu đáo ra nhiêu khê đến thế... Nó làm ông bâng khuâng nhớ tiếc công việc, một ngày soạn vài bài nói cho sếp, thay câu “chào các bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết” ở cuộc họp thanh niên thành “kính thưa các bác các cụ” khi ra hội nghị người cao tuổi, lại làm thế nhưng đảo đoạn giữa lên trên đầu ở cuộc họp phụ nữ. Phòng tổng hợp của ông cuối năm tổng kết đã tổ chức bấy nhiêu hội nghị, điều ngần nọ chuyến xe. Nhớ tiếc và hơi hơi phát phiền, vì việc đến thế là hết.
Nhưng lực lượng hưu trí của cơ quan phát triển lên, lớn mạnh về quân số và trẻ hoá thấy rõ. Thường cứ dăm “bác” về (như ông) thì vài “cụ” nhập viện, rồi một người phải vô cùng thương tiếc. Lâu lâu chánh văn phòng lại đến, đem theo một cái trích ngang. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, cái tinh thần ấy phải được quán xuyến trong mọi cuộc vĩnh biệt, tức là chết hay sống đều phải có khuôn khổ, không thể tự dưng ra dưng.. Thành thử ai ra đi đều trong veo như pha lê Tiệp. Cụ V. sinh thời miệng lưỡi độc địa, có tên tục “Dũng sĩ diệt đồng đội”, trao đi đổi lại mãi, cuối cùng lời tống tiễn được thảo theo hướng “tích cực đấu tranh phê bình”. Cụ X. chót không thanh quyết toán được một khoản tiêu một mực được đánh giá “liêm khiết, thanh bần, chả tơ hào lấy một ly leo xu hào”. Với sở trường viết lách xưa, ông Lãnh phong cụ này chức giáo sư tiến sĩ, tặng cụ kia cả đống huân huy chương, kể lể “quá trình kinh qua”, các cống hiến, “hô biến” những giai đoạn “đáng tiếc”.
Cụ T., đùa nhả và dai nhất, nằm cả chục năm ba lần con cháu khóc inh cả lên. Bản đầu tiên hội hưu chê dài, cái thứ hai sau đó năm năm, anh con cả bảo tóm tắt quá. Coi như vốn chất xám bị “đọng”, lại tự trách mình lưu hồ sơ không tốt, thế mà bản thảo cuối cùng, ông Lãnh vẫn phải viết “tạo điều kiện cho con cháu tỏ chí hiếu”. Đáng yêu nhất là những cụ đi nhanh, ông thưởng câu “không muốn để thân nhân phải khó nhọc”. Đấy là “những thách thức” của thời kỳ mới, nó khiến ông phấn khích hơn, nghĩ ra câu giải quyết rất hài lòng. Có ai ngờ những cụ chân chỉ hạt bột cả đời chả ưu khuyết mạnh yếu nào trầm trọng lại khó viết nhất, chả biết thêm gì bớt gì vào các trích ngang.
“Mình được ăn lộc âm, giống anh tẩm liệm hoá trang mặc com lê com táo cho người chết ở nhà xác, nhưng sang trọng hơn nhiều”, mỗi lần nghĩ vậy ông Lãnh không khỏi thú vị. Ngoài khoản tiền chấp bút cơ quan chi, ông hay được tang quyến hậu tạ, chè thuốc đem ra hàng nước cuối phố. Chi tiêu thế là phải chứ, đám tang cùng trăm thứ bà rằn theo sau là để cho anh sống, chứ thằng chết còn lý gì được.

(còn tiếp)
TC 2009

14 nhận xét:

4 SG nói...

Văn phong của pác biến ảo như Nam Hoa Kinh! Đọc hoa cã mắt!!

4 SG

TC nói...

AM: đẩy tiếp đoạn cuối lên cho hoa mắt đi, kẻo nghỉ giải lao lâu quá

Nặc danh nói...

Alooooooooooooooooo!AMK3 ơi!
Tiếp di tiếp di! "băm" kiểu nay ko dc rùi, phá vỡ hết tinh hệ thống và thônh nhất của tác phẩm.
Kiểu như :"... rắn là một loài bò,
sát không chân......."


THD-K3

tualinh nói...

Ông ký Lãnh đoạn đời sau có khi lại hay hơn đoạn trước: sở trường sở đoản vẫn dụng được cả, lại còn được trọng vọng,có lộc đều cộng thêm tiếng thơm 'giúp đời'.Mình không những không phải đón ý ai mà người ta khi thưa chuyện với mình, mong được việc cũng phải lựa lời. Những việc này trước đây nằm mơ đâu có được!
Chỉ đọc xong phần đầu truyện này đã thấy hiện lên chân dung một ông kí thời mới,dù cho phương tiện cho công việc bàn giấy ngày nay khác xa thời trước và sếp bây giờ có thể gọi 'đồng chí' thì vẫn là một con người đó:thạo việc,bền bỉ nhẫn nại, an phận,kìm hãm dục vọng...tóm lại một 'thân phận còm' chả khác gì thời các cụ Nam cao,vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan đã mô tả.
Truyện hài là ở chỗ danh giá,tư thế của một người cả đời cặm cụi với công việc văn phòng từ trước tới giờ chẳng thấy đâu nay bỗng trở nên tỏa sáng sau khi về hưu-khi ông tham gia vào việc viết điếu văn phục vụ nghi lễ tiễn đưa người chết.Truyện bi là ở chỗ cái danh giá ấy,cái tư thế 'hoành tráng' được người cầu ấy đang nằm xẹp như gián,giờ được dựng đứng lên là nhờ những lời lẽ trong bài điếu văn dành cho người chết,sao mà nó mong manh,sao mà nó phù phiếm đến thế. Nhưng đó có thể lại là giá trị vui sống cho con người.
Lối viết tưng tửng nhiều khi tưởng như diễu cợt nhân vật mà sao vẫn ẩn chứa những xót xa cho thân phận một con người.Và đấy chính là giá trị nhân văn của tác phẩm.

@4SG : tôi nói câu này ô.đừng chởi tui nhé : khen văn ô.Tr.Ch như ô.chẳng khác ô.khen đĩ có l...đẹp.

@AMk3: theo tui,trọn bài dài như của Tr.Ch nên để khoảng cách 7-10 ngày cho ACE có thời gian nghiền ngẫm, bài đăng nhiều kỳ rải ra 2-3 ngày một phần.Bởi vì như tui đây : đang suy nghĩ tính com bài 'tính cách' chưa nghĩ xong thì lại có bài 'làm đẹp'của cùng một người-đứt đoạn mất hứng com bài 'tính cách'. hè hè thế đấy!

@HĐ : Tôi đã đọc blog ông chỉ.Sơ bộ báo cáo với sếp thế này:
1.Đây là blog có tính chuyên khảo, các bài viết dài khó đọc,phải là những người có chuyên môn mới hiểu thấu đáo những vấn đề nêu ra.
2.Ý nghĩa của các nội dung ở đó thì có thề nêu ra để ACE mình com. Gồm:
-Phải chăng Kinh dịch có nguồn gốc từ người Việt.
-12 con giáp xuất phát từ Việt cổ.
-Sáng tạo ra giấy viết là người Việt.
-Chữ cuả người Việt cổ.
3.Ông viết bài khởi đầu.
Tôi tin là 4SG rất thích thú với đề tài này và có thể phát biểu nhiều đấy.
Tôi không chăm và cũng không lười, vì vậy không làm được gì cả.Tuỳ vào ông mà có thể tôi bỗng dưng trở nên 'lười' hay khá hơn là 'chăm'. Hè hè.

TC nói...

Viết văn làm báo rất giống nghề làm đĩ đấy các bố ơi, chỉ có điều dùng cái đầu ăn học tử tế thay cái ấy

tualinh nói...

@Tr.Ch: 'Đi tìm...người Hà nội'
Đề tài này làm nhớ tới C.X.Tr. (Tr.'cú'). Một lần Tr.ngồi xuống bên tôi rồi lắp bắp nói:'Con gái Hà nội ghê lắm L.à'.Bất ngờ và ngạc nhiên-là cảm giác ngay lúc đó của tôi.Bất ngờ là vì lần đầu tiên tôi nghe thấy Tr.'cú' động đế chữ 'con gáí', mà là gái Hà nội mới ghê chứ.Ngạc nhiên vì thằng này xưa nay vẫn khổ sở vì cái đầu và cái mồm.Đầu thì thông minh suy nghĩ mọi thứ và đều cho ra chính kiến riêng nhưng đến mồm thì không phát ra được,nói một tiếng thì phải lập bập một lúc mới thoát ra cả chữ.Ai mà kiên nhẫn nghe cho nổi.Tức là ở chỗ đó.Mặc dù vậy Tr.'cú' không khi nào có biểu hiện tự ti vì tật 'nói lắp' của mình.Các cuộc tụ tập bạn bè tán chuyện,có dịp Tr.đều tham gia từ đầu tới cuối.Những lúc đó tưởng như cậu ta chỉ biết im lặng ngồi nghe thôi.Nhầm to!Phải nhìn vào đôi mắt mới thấy cậu ấy biểu lộ thái độ như thế nào.Lúc phấn kích và tán đồng đồng tử hai con mắt mở to hết cỡ, sáng rực.Còn lúc thất vọng,ỉu xìu cặp mắt thu lại và như có một màn sương bao phủ.Môi mím chặt như thể không thốt ra lời là lúc đang tức giận.Khi đó, như một kỹ năng được luyện tập từ trước, Tr.'cú' bật ra những câu chửi ngắn gọn điểm nhịp kiểu điểm xạ của súng AK47. Một người như vậy mà lúc này nói được liền một mạch một câu về 'con gái Hà nội' thì ắt là có phát hiện gì đó rồi.Tôi nói: 'Cậu nói đi'.Thế là cái 'con gái Hà nội ghê gớm lắm' được kể ra.

tualinh nói...

Chuyện của người chú ruột kể cho Tr.'cú'. Chú là bộ đội tập kết rồi được cử vào học trường đại học y.Trong khi học chú quen với một cô gái Hà nội con tư sản.Hai người yêu nhau thắm thiết.Ra trường,chú báo cáo với tổ chức xin cưới và dù cho vật nài cầu xin hứa hẹn đủ điều,câu trả lời vẫn là kiểu 2 chọn 1.Đương nhiên cuối cùng chú phải chọn Đảng.Chúng ta ai cũng hiểu được quyết định này.(mô típ quân CM nhập thành) Hai người vô cùng đau khổ chia tay.Họ quá bé nhỏ mà.Việc đầu tiên người yêu của chú-cô gái Hà nội- làm là hứa không liên lạc,không hẹn gặp nữa để giúp chú 'dứt áo' tiến tới trên con đường sự nghiệp mà CM giao cho... Thương nhớ người yêu,đêm đêm chú ra chiếc ghế đá ở công viên nơi trước đây hai người vẫn hẹn hò, ngồi trầm tư ngậm ngùi một mình hàng tiếng rồi mới về nhà.Đúng là 'cảnh đây mà người cũ còn đâu',thảm thật!Trời đêm Hà nội bắt đầu trở lạnh.Đêm thứ 3 như mọi khi,vừa ngồi xuống ghế đá chú bỗng giật mình trong khoảnh khắc cảm giác một điều gì đó khác thường.Định thần lại mới thấy quen thuộc và thân thương quá : thoang thoảng mùi nước hoa quen thuộc của người yêu. Biết là người con gái mình yêu đang lặng lẽ đứng xa xa ở phía sau trong bóng tối, nhưng người bác sỹ trẻ dằn lòng không ngoái đầu lại.Đúng là cảnh 'gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách biệt'.Khoảng cách ấy vẫn giữ như thế trong hai tối tiếp theo. Đêm thứ tư người chú quyết định không đến công viên nữa. Vì ông biết chắc là lần này mình sẽ từ bỏ tất cả những gì đã lựa chọn,đã có để đi theo người con gái Hà nội ấy. Chuyện kể xong,tôi nói ngay với Tr.'cú' chuyện tình này hay đấy,có thật mà y như phim,nhưng tớ chả thấy chi tiết nào 'ghê gớm' cả.Vừa dứt lời tôi đã thấy Tr.trợn tròn mắt,hai má phồng lên như mang con ễnh ương phun hơi phì phì,pập pập mấy cái mà đếch phát ra được tiếng nào. Chờ ông bạn bình tĩnh lại,tôi mới hỏi ý cậu thế nào.Nói qua nói lại một lúc tôi mới vỡ nhẽ : Cái 'ghê gớm' là ở chỗ xức nước hoa,đêm lạnh mùi thơm bay xa khuyến rũ lắm, gợi cảm lắm,day dứt lắm ,sao người tình có thể ngoảnh đi được,rõ là có ý lôi kéo ông chú lại.Tôi chịu cái lý của Tr.'cú' 'con gái Hà nội ghê gớm lắm' cho tới... trước lúc có bài 'Đi tìm...'. Giờ thì tôi đoan chắc người con gái Hà nội ấy vẫn cứ sửa soạn như thể đi gặp người yêu (tất nhiên trong đó có xức nước hoa)khi tới nơi hẹn hò đã thành kỷ niệm.Dù có hay không có cố nhân. Vì đấy là phong cách Hà nội.

tualinh nói...

Những 'người Hà nội' (tiêu chuẩn 3 đời) mà tôi gặp trên đường đời đều cho một cảm nhận dễ mến.Họ mỹ cảm vừa với khả năng của mình về tri thức và phong độ.Không xu thời a dua cũng là một tính cách điển hình.Những người Hà nội-theo tôi- dù có trộn lẫn vào muôn vàn các trị giá thời mới hiện đại cũng không thể đánh tráo được các giá trị 'Hà nội' của họ. Ấy là đang nói về 'người Hà nội' của mấy trăm năm trở về trước. Tỉ mẩn kiểm lại xem trong khoá 3 mình có người Hà nội (theo tiêu chuẩn 3 đời,chỉ cần một trong hai bên nội-ngoại)không.Hình như chẳng có ai,Tình nghi thì có vẻ có. Ai nhỉ hở Tr.Ch? Lại lái sang bên đằng vợ. Mấy ai trong chúng ta lấy được 'con gái Hà nội'.Nếu có thì như trúng độc đắc rồi. Người Hà nội,người Hà nội.E rằng ngày mai một dần.Cũng như 'phố cổ', 'người Hà nội' trăm năm trước sẽ chỉ còn trong các trang viết,trong các tác phẩm.Thời đại mới,chuẩn mực mới,giá trị mới,con người mới.Qui luật ấy khắc nghiệt làm sao.dù cho cái cũ có đẹp đến bao nhiêu thì cũng phải tàn phai,để từ mục nát cái mới mọc lên. Nếu thương cảm quá thì bắt chước như trong 'Hồng Lâu Mộng':Công tử Giả Bảo Ngọc và cô em họ Lâm Đại Ngọc nhặt những cánh hoa tàn rơi rải rác trong vườn rồi gom lại làm lễ 'Chôn hoa'.

TC nói...

TL cho mình biết cách viết comment, là nếu cần dài thì dứt từng đoạn theo kết cấu
Trà bây giờ thế nào nhỉ? Mình nhớ cậu tiếc cho nó, đi cuốn biến thế...
Khoảng '58, nhà văn Hữu Mai viết một truyện ngắn nổi tiếng, "Mất hết". Anh bốn túi chân chì chân chất lấy vợ HN, nó kêu khô như ngói.Nó đẹp, có thằng đầu bồng đít vịt tán, chồng rủ bạn theo rình, thấy vợ ko "chịu" thằng kia thì lấy làm may. Còn ông bạn, tất nhiên cũng bộ đội, tiếc là bạn mình đang mất hết..., tức là mất những oai hùng, đẹp đẽ một thuở mang về từ kháng chiến
HN có nhiều kiểu, nhiều vẻ, tóm lại rất nhiều "trầm tích",đào bới mãi vẫn còn, bài trên mình chỉ nói một lớp. 4SG nói họ kém oai dũng, cũng đúng. Nhưng trong bốn thầy trò Đường Tăng, khù khì nhất là Sa Tăng, có khi lại là đại biểu cho số đông nhất, những người tàng trữ lớp lớp tiềm năng nhưng phải người khác khai mở mới hé ra. còn bình thường thì chả có gí nổi bật
Lại nhẩy sang Tây Nguyên,1 triệu dân bản địa đang "đấu" với 3 triệu Kinh Tày Nùng Dao từ đồng bằng, Tây BẮc, Việt Bắc, khu Năm về. Cái được, phần hiện đại thì rõ quá rồi. Nhưng văn hoá rừng ko còn. Có gì đáng so với những người HN vài bốn đời kể trên ko?
Ôi giời Ha Nội, truyện dài nhiều tập, càng nói càng "còn"

tualinh nói...

@Tr.Ch: vừa nhậu với HĐ về,có cả AMk3,4SG.
Thế này nhé : cậu cứ viết com ở word,rối cắt ra theo mạch văn thành từng phần khoảng 1000 từ đổ lại,sau đó copy từng phần dán vào khung com tương ứng - như cậu nói ở trên.
Thân mến

TC nói...

TL: uốt với còm, nghe phức tạp quá, nhưng sẽ thử. Ko thành công cũng thành nhân chớ!
Giá mà tớ được nghe những gì mọi người nói trong bữa nhậu nhỉ. nhưng gặp nhau trên mạng thế này cũng là sưởi ấm rồi. Bà Phan Thanh Nhàn (Hương thầm ấy) đưa mình bài thơ mới, gửi người yêu mới "chả nói năng gì bao giờ nhưng luôn làm cho ta giầu có thêm, đỡ lạnh...". Đọc một lúc mới nghĩ ra bà ấy nói về cái máy tính. Bà Nhàn chết chồng lâu, tính dung dị, khao khát tình cảm,đọc thấy thương. Nhắc chuyện này vì thấy thế giới mạng cho ta nhiều thứ quá. Với nhiều người,nó gây hoang mang, với mình, đôi khi làm bối rối,thứ bối rối dễ chịu

tualinh nói...

@Tr.Ch : hì hì hình như cậu bắt đầu mơ mộng với em 'mạng' rồi? Thú vị thật! Tối qua trong lúc nhậu HĐ gọi cậu 2 lần nhưng không bốc máy;lần thứ 1 HĐ nói nó đang tắm,lần thứ 2 thì chắc 'máy trong túi quần-quần lìa khỏi người',đến nước này thì chịu rồi, không gọi nữa.
Sao anh không mời chị Phan Thanh Nhàn vô blog tụi mình 'tám' cho vui. Bài 'Hương thầm' tôi thích lắm.

TC nói...

"Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà ko biết thì tra gút gồ"

Bác Hồ tiên tri thánh thật!

TC nói...

TL: giờ mình hình dung bờ lốc như bữa buffet, ăn một miếng, chạy ra nói chuyện rồi lại bốc bải miếng khác. Tiệc buffet chỉ mở trong phòng, giá mang ra ngoài bãi ngô được thì tốt
4SG: trông ông rất quen. Chữ "nhược tiểu" ông dùng rất kinh điển. Văn học Nga thế kỷ 19 có loại nhân vật "con người bé nhỏ", những thầy ký, quản, đội..., gặp nhiều nhất trong truyện Sê khốp. Tâm lý nông nô mà, khép nép, ko dám nói ý mình, đón ý trên mà đầy mặc cảm, ấm ức. Sê khốp lại viết
"từng tý, từng tý một, rồi một ngày ta cảm thấy mình là người tự do"...